Lứa học sinh ra trường năm 1972 chúng tôi có lẽ phần lớn là tuổi Rồng, tuổi Rắn, tuổi Ngựa; thỉnh thoảng một vài tên học trễ, học dốt có tuổi Cọp, tuổi Mèo.

             Ôi ! mới ngày nào mà ta đã ngoại lục tuần; đã nhiều con, nhiều cháu, tóc đã bạc màu muối át hẳn tiêu.

            Mới ngày nào Huỳnh Mao cùng anh em tổ chức đêm Hội ngộ 40 năm, giờ sắp sang năm 41; dư âm vẫn nhiều lắng đọng, khó để tìm được một đêm đầy cảm xúc ngập tràn như thế.

             Mới đây Huỳnh Mao muốn cùng bạn bè hâm nóng tuổi 60 nên có treo một số giải thưởng để các bạn viết thơ, văn... góp trong trang web 72 của tụi mình, một ý tưởng hay. Thôi thì cũng góp nhặt vài dòng cho vui vẻ với bạn bè.

            Đã từ khá lâu, thuở còn Phạm Tình, Ngô Văn Phước, sáng nào chúng tôi cũng cà phê ở quán Quỳnh Ngân 113 Trưng Nữ Vương - Đà Nẵng; những Trần Văn Cát, Đặng Văn Thành, Nguyễn Văn Dư, Lê Hữu Ẩm, Dương Hoàng Hồ...; thi thoảng có Lê Hùng Việt, Trần Khoan, Lê Thế Sung, Nguyễn Đình Lai, Huỳnh Tiển, Trần Văn Thạch, Phùng Hữu Chữ, Nguyễn Văn Khanh, Lê Tánh, Phan Lợi, Huỳnh Sỹ Khiêm, Lê Quang Thọ, Phạm Bá Lộc, Ngô Tấn Bán, Huỳnh Lịch, Trần Quang Trường, Hồ Đình Phong, vẫn những câu chuyện phiếm, những kỷ niệm thầy trò ngày xưa, thật vui. Tôi tin rằng ít có nhóm bạn Phan Châu Trinh thuở tụi mình còn hàng ngày bù khú với nhau như xóm... nhà lá tụi tôi; chúng tôi sinh hoạt liên lớp hàng ngày; sau chầu cà phê sáng thế nào cũng lai rai một vài lon, kết thúc kẻ ít người nhiều để bữa nhậu thêm vui.

            Nhớ những ngày xưa, sau khi ra trường mỗi đứa tản mạn mỗi nơi; lớp 12B4 chúng tôi một số tên học giỏi thì ra nước ngoài học tiếp như Nguyễn Xuân Tùng, Lê Phước Minh, Nguyễn Đức Tri Tâm, Bảo Lan, Tăng Văn Tơ; tụi tôi Đoàn Văn Hinh, Đỗ Duy Hải, Ngô Văn Phước, Nguyễn Đại Hùng, Lê Tánh, Đặng Út vào Sài Gòn học tiếp. Thực ra hồi đó không quen nhiều với các bạn lớp khác; tôi chỉ biết thôi, như B3 có Nguyễn Văn Phiên, Nguyễn Văn Bách, Đặng Công Lý..., lớp Pháp văn có Trương Văn Ta, Trương Văn Nhân, Hồ Thái Hà. Có một điều chắc chắn là mãi khi đã ra trường cả chục năm, sau này sinh hoạt chung liên lớp mới quen biết nhiều bạn bè đã từng một thời chung dưới một mái trường; cứ là học sinh Phan Châu Trinh NK 65-72 là quen nhau, dù chỉ học một, hai năm, nói chuyện thân mật như đã nhiều lần gặp mặt, thật dễ dàng.

            Vài năm sau 1972; Nguyễn Đại Hùng, Ngô Văn Phước và rất nhiều bạn hữu, sau này tôi mới biết, vào Thủ Đức; mỗi đứa một nơi; những ngày thứ bảy, chủ nhật hiếm hoi, các bạn về thành phố chúng tôi lại gặp nhau, tay bắt mặt mừng bên ly cà phê, phì phèo khói thuốc.

             Tôi học Vạn Hạnh; hồi đó nhiều bạn để tóc dài phủ gáy; mỗi lần về Đà Nẵng là né, tránh cảnh sát, sợ cắt mái tóc dài mà mình mất công chải chuốt; tránh thì tránh nhưng đi ngoài đường mặt lúc nào cũng vênh lên xem ta đây là... đàn anh, là sinh viên Sài Gòn, Huế, Đà Lạt mới về; nghĩ lại thật trẻ con, thật buồn cười.

             Sau 1975; tôi, Hải, Hinh và một số bạn khác lớp học tiếp trường Đại học Kinh tế; hai năm sau ra trường tôi về Đà Nẵng; cùng chung Công ty với Lý Mãi B3; thời gian này bạn bè cũ rất ít gặp nhau; mỗi người một cuộc sống riêng; phải kéo dài đến cả chục năm.

             Rồi những năm 1990 về sau, tôi thường có dịp vào Sài Gòn, lúc nào cũng gặp bạn Hinh, bạn Hải, bạn Hùng..., sau này là Đặng Út, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Hưng Nam, Huỳnh Mao, Nguyễn Đỗ Kính, Nguyễn Hữu Tùng, Phan Thanh Đức, Nguyễn Nhạn, Phạm Đoàn, Võ Ngọc Sơn, Đặng Bá Lộc, Trần Đình Danh, Nguyễn Lương Tùng, Trần Phú Hưng...; lần nào cũng vậy Huỳnh Mao thường tổ chức một bữa gặp mặt bạn bè xưa; khi thì ở nhà Mao; khi thì ở một quán nào đó để gặp mặt bạn bè, luôn ưu tiên cho bạn từ Đà Nẵng vào hoặc ở xa về, để cụng ly, để hát hò, để nói về cuộc sống hôm nay và những nỗi nhớ một thời cắp cách.

             Thời gian qua thật nhanh; Hội ngộ 40 năm, bây giờ là sắp 41 năm, dù Sài Gòn, Đà Nẵng và những nơi xa xôi khác cùng tổ chức gặp mặt hàng năm nhưng có lẽ chẳng bao giờ có được một đêm đầy đủ, đông vui và ắp đầy kỷ niệm như đêm Hội ngộ năm rồi.

             Lần nào cũng vậy, ở xa về bạn nào cũng muốn gặp lại bạn bè mình; để hàn huyên, ôn lại chuyện ngày xưa. Nguyễn Hữu Tùng, Huỳnh Mao, Võ Ngọc Sơn, Nguyễn Trường Dũng, Trần Phú Hưng, Nguyễn Văn Thành, Đặng Bá Lộc, Hồ Trọng Quý, Đặng Sáu, Trương Thiên Hựu, Trương Văn Nhân, Nguyễn Đại Hùng, Nguyễn Xuân Tùng... bao giờ về cũng tìm gặp bạn bè xa cũ.

             Ta đã 60, Võ Ngọc Sơn một ngày đầu năm 2013 về Đà Nẵng tuyên bố: 60 rồi; bọn mình đã bắt đầu... có lời rồi, dù là lời còn rất khiêm tốn.

            Huỳnh Mao: giờ có “đi” thì cũng có chữ Thọ ở trước rồi.

            Phạm Tình, Ngô Văn Phước đã không còn để kịp dự Hội ngộ 40 năm.

            Xóm nhà lá chúng tôi những ngày cuối tháng tám thật bận rộn, sáng nào cũng cà phê, rồi xem và bình phẩm những bài đã đăng trên web. Trần Văn Cát luôn thúc giục mọi người viết bài... dự thi. Thọ năm bài; Thành cũng đã bốn, tôi nghĩ bạn nào đăng bài lên web 72 của tụi mình thì xem như tự... đoạt giải rồi.

             Đà Nẵng hôm nay thật đẹp; sớm tắm biển; sáng cà phê nhìn mọi người qua lại; thỉnh thoảng lai rai vài lon với bạn bè; tối dạo sông Hàn. Bạn mong gì hơn ở tuổi 60.

             Về đi bạn, hãy về ngắm “những cây cầu” của Trần Văn Cát; nhớ Mẹ, thăm Thầy và “hạnh phúc quanh đây...” của Đặng Văn Thành, xem Chuồn Thín của Trần Quang Trường, thưởng thức “bánh xèo Huế” Mạ làm của Lê Quang Thọ; “níu anh zô” của Nguyễn Công Trình, “dầm mưa Huế” của Nguyễn Văn Cư, “về bên dòng sông” của Trần Phú Hưng.

             Về đi bạn; thăm hỏi thầy cô, bạn bè xưa cũ, thắp nén nhang cho một vài bạn cùng trường nằm đâu đó trong các nghĩa trang ở thành phố thân thương này.

             Về đi bạn; nhìn lại ngôi trường xưa ta đã từng học; với bao ước mơ, bao mộng mị của tuổi học trò.

             Vậy thì “hãy cứ vui như mọi ngày”, hãy cứ vui... hơn mọi ngày, đi nhé, các bạn của tôi ơi.

 

                                                                                       Đặng Văn Quốc

                                                          (bài không đăng ký dự thi, vì dự thi cũng... rớt)