Nhớ tới Mai Ngoc Quyền A2 và Huế của những chuỗi ngày cũ đã xa vời vợi

Sau khi có kết quả kỳ thi Tú tài 2. Tự biết trình độ học vấn của mình cùng với hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Tôi còn một bầy em đang còn đi học. Mà đồng lương viên chức cấp thấp như ba mẹ tôi không kham nổi. Hụt trước thiếu sau. Nên tôi chọn Huế để học tiếp đại học. Bên cạnh đó, sở dĩ tôi chọn Huế bởi có chủ quan. Huế là quê tôi. Ở đó có rất nhiều bà con họ hàng thân thuộc của gia đình tôi, nên tôi có thể dựa dẩm vào họ trong bước đầu đến thành phố trọ học.

 Tôi gặp lại Mai Ngọc Quyền A2 khi đi nộp đơn thi vào đại học. Lúc này tôi với nó chưa thân nhau lắm. Vì tôi mới chuyển từ B3 qua, còn nó học A2.

Tuy thế gặp nhau nơi vẫn còn xa lạ là quý nhau lắm. Vì thực tế tuy quê tôi ở Huế nhưng thinh thoảng tôi mới được cho về quê thăm ông nội và các o tôi. Nên với Huế tôi vẫn còn ngơ ngác, mịt mù.

Hai thằng rủ nhau vào quán cà phê trên đường Chi Lăng bàn chuyện chọn trường để học.

Nó sinh 1953, hoản dịch gia cảnh. Tôi sinh 1954 hoản dịch học vấn, nên không phải lo lắng về lệnh Tổng động viên và đôn quân.

Thôi thì cứ học đi rồi hạ hồi phân giải.

Hai thằng tôi chọn ban Việt-Hán đại học Văn Khoa ghi danh học thêm sau khi nộp đơn vào Đại học Sư phạm.

Thuở trung học, đi uống cà phê vẫn còn là khái niệm mơ hồ lẫn chút cao sang với một thằng học sinh nghèo vùng ngoại ô thành phố như tôi. Nếu không nói quá là xa xỉ. Thời ấy, tiền ba mẹ cho hàng ngày đủ để đi xe “lam” đến trường còn chút tiền ít ỏi  mua cái bánh tiêu kẹp cây kem Diệp Hải Dung ở quán ông cai trường trong giờ ra chơi. Nên có thể nói cho đến khi đã là học sinh lớp 12, quán cà phê hay tiệm cà phê là mỹ từ đối với tôi. Khi qua học A2 tôi ngồi cùng bàn với Lê Quang Dũng và Nguyễn Ngọc Hồ (mới từ Bồ Đề qua). Hai thằng này con nhà khá giả nên tụi nó đi cà phê thường xuyên. Và tôi tập tểnh đi vào thế giới cà phê với tụi nó. Nhưng chỉ đếm được trên đầu ngón tay những lần như thế trong suốt năm học.

Mai Ngọc Quyền có “nghiện” hai cái là thuốc lá và cà phê. Đối lập hoàn toàn với tôi. Nhưng rồi, bạn bè quanh tôi giờ có còn ai đâu. Nên nó đi đâu cũng hay rũ tôi. Vào quán cà phê, tôi muôn thuở gọi bạc xĩu, còn Quyền đều đặng President và  filter đen có beure. Quán cà phê ngày xưa  tôi và Quyền hay ngồi là những quán tuềnh toàng hay thường thường bậc trung, nhưng có nhạc rất hay, nhẹ nhàng và đa số có cô cashier sầu mộng rất Huế ngồi ở quầy.

Thời gian đầu của thời sinh viên khá nhàn nhả. Chúng tôi lên giảng đường học nhưng môn cơ bản với các giáo sư cơ hửu của trường. Thời khóa biểu năm thứ nhất nhẹ nhàng nên Tôi và Quyền có thể đi cà phê bất cứ lúc nào. Nhà Quyền lúc đó ở Cao Bá Quát nên đi về qua đường Chi Lăng. Những ai ở Huế vào những năm của thập kỷ 70 của thế kỷ trước hẳn không xa lạ gì với các quán cà phê dọc đường Chi Lăng từ Gia Hội về đến Bãi Dâu .. Đó là những ngôi nhà cỗ xưa dạng 5 gian hai chái truyền thống. Cũ kỷ tối tăm, vì thời ấy đa số quán được thắp sáng bằng bóng đèn 60watt.

Cà phê Huế, nhạc vừa đủ nghe nếu không nói nghe mà cứ như nghe từ nhà ai vang vọng. những bộ bàn ghế thấp lè tè cũ kỹ theo thời gian, không gian vương vấn khói thuốc. Ai cũng im lặng như đang suy tư hay đang mơ mộng về cái gì đó. Ngồi với nhau nhiều lắm là ba người. Mỗi người thưởng thức nhạc lẫn ca phê theo một phong cách riêng nhiều phong cách được coi là lập dị với những anh chàng Huế  “origine” với beret đen đội lệch hay sum sụp che mái tóc dài phủ gáy.

Cà phê Huế, trầm lặng thong thả như dòng sông trước mặt đang chảy chầm chậm như luyến tiếc thành quách lâu đài trước khi đổ ra biển.

Những bước đầu tiên đến với cà phê xứ Huế của tôi đều do Quyền bao hết. Tôi lúc ấy vẫn như ngày nào. Ở nhà bà o trên đường Trịnh Minh Thế trong khu bến xe Nguyễn Hoàng. Hàng ngày vẫn ngửa tay nhận tiền tiêu vặt từ bà o cho.

Mãi sau này tôi mới nghiệm ra một chân lý: quán cà phê tồn tại là do có người nghiện, âm nhạc tồn tại là do có người nghe.

Nhưng  không bao giờ tôi biết vì sao tách cà phê đen nóng nhỏ từng giọt từ cái filter nhôm cũ kỷ méo mó đen sánh và như đặc quánh lai thu hút người ngồi hàng giờ. Vì tôi chưa bao giờ uống cà phê cho đến tận mãi hôm nay. Hồi xưa, nhạc tại các quán ca phê ở Huế (không biết các nơi có khác không ?) đều được phát bằng các máy như Sony, Panasonic, Akai, Sansui (Thông dụng là Akai). Và phương tiện thể hiện là băng cối có độ dài từ C90 đến C120. Thế mà Quyền và tôi bao giờ cũng ngồi nghe đến xong một băng cối mới ra về, sau khi uống hết 1 thermote nước sôi chảy ra từ cái filter cà phê, lúc này chỉ còn màu nâu nhàn nhạt.

 Có thể nói, mùa đông xứ Huế bắt đầu từ mùa mưa. Những cơn mưa dai dẳng nặng hạt làm không gian chợt lành lạnh theo từng cơn gió và thời gian như ngừng trôi. Rời giảng đường, không vội về nhà. Tôi và nó đội mưa tìm đến quán thân quen.

Quán đông hơn, không phải vì thêm khách mới. Mà vì trời mưa nên khách lưu lại lâu hơn. Và trong quán những lúc này thì khói thuốc như quánh lại do không khí lạnh nên cứ bảng lảng, hòa quyện cùng âm thanh quyến rũ của những ca khúc về mưa.

Ngồi trong quán cà phê nhìn ra đường mới thấm thía với lời ca:

Chiều mưa không có em thành phố quên chưa lên đèn

Chiều mưa không có em, biết lấy ai chia hờn dỗi.

Nhìn giọt nước chảy tung tăng trước hiên chạnh nhớ với câu thơ:

Đêm mưa làm nhớ không gian,

Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la

Tai nương giọt nước mái nhà

Nghe trời lành lạnh nghe ta buồn buồn.

Chia tay, nó xuôi về Bãi Dâu, tôi ngược Trần hưng Đạo. Cứ như thế. Ngày tháng trôi qua. Hai đứa càng thân nhau hơn khi biết Cầu Hai, quê ngoại tôi lại là quê nội nó.

Ngôi nhà tôi ở trọ nằm trong khu bến xe nên ồn ào phức tạp. Nên tôi thường xuyên lang thang ngoài phố, ngoài đường đến tận khuya. Cơm thì ăn ở quán Sinh viên vụ, hết tiền thì qua bến xe An Cựu ăn cơm xã hội. Học thì vào thư viện. Hết giờ. Đi đâu?

Nên nói rằng tôi phải cám ơn những quán cà phê mà Quyền đã đưa tôi đến và sau này tôi đi một mình (vì Quyền đã  vào Quy Nhơn học). Ở đó có chút quyến rủ của không gian đầy nhạc lẫn khói thuốc, có cô cashier tóc dài đầy mộng mị liêu trai. Để tôi mơ ước. Dù mơ ước chỉ là ước mơ.

Tôi tư duy thì tôi tồn tại. nhưng với tôi thì khác: tôi ước mơ thì tôi tồn tại

Sau này, tôi làm  précepteur có thù lao do phụ huynh trả nên đời sống của tôi thong thả hơn. Và lúc này Huế có nhiều quán cà phê có phong cách khác như Góp Gió, Da vàng… tôi vẫn tới các quán cà phê thường xuyên hơn. Nhưng tôi vẫn không tìm được câu trả lời của chính tôi. Lý do đơn giản tôi vẫn không uống cà phê nên không biết cà phê có gi hấp dẫn đến thế.

Quyền đã ra đi về nơi miên viễn sau cơn bạo bệnh. Những ngày nó nằm ở khoa ung bướu bệnh viện trường đại học y dược Huế, tôi vẫn hay đi “chùa”  xe A. Khiêm ra với nó. Ngồi với Quyền trong phòng lưu bệnh,  tôi hay nói với nó: ước chi trời đổ cơn mưa, tao chạy xuống ngả năm  mua mấy cái patechaud rồi hai thằng đội mưa xuống Chi Lăng hay vô thành nội hí! Nó cười buồn hiu hắt.

 Rồi một thời gian dài tôi không quay  lại Huế. Vì mỗi lần về lại Huế nghe câu hát: Cố nhân xa vời có ai về lối xưa, tôi lại nghe nỗi buồn tự ngàn xưa quay về.

 Nhưng rồi có cái gì níu kéo, tôi về lại chốn xưa.  Tôi lang thang quanh những con đường rợp bóng cây của thành nội. Tất cả vẫn như ngày nào. Nhưng bây giờ chỉ còn tôi đơn độc đếm từng bước rồi mong:

 Dòng đời đã trôi về chiều. Đập gương xưa tìm bóng. nhưng thôi tiếc mà chi, chim rồi bay em rồi đi đường trần quên lối cũ người đời xa cách mãi tình trần khôn hàn gắn thương lòng.

Quyền ơi!

Nay bạn mai tôi. Nếu thật là có một thế giới bên kia. Trần gian chỉ là cõi tạm. Thì rồi tao sẽ gặp lại mầy. Sẽ cùng đi uống cà phê với nhau và cùng hoài niệm thuở còn ở chốn trần gian.

Lê Quang Thọ


Bài dự thi số 3

Hưởng ứng cuộc vận động viết bài kỷ niệm 41 năm ngày xa trường PCT 1972-2013


Xem xong bài viết của bạn.

Sẽ luôn nhớ về hai người bạn thân thiết Thọ và Quyền.

Với chúng mình, mỗi sáng, ly cà phê sẽ ấm hơn, sẽ nắm chặt hơn.

Trần Văn Cát